Mặt bếp điện từ thường được làm bằng hỗn hợp gốm cao cấp và thủy tinh, giúp tạo thêm vẻ bóng bảy cho căn bếp nhà bạn. Vệ sinh mặt kính bếp từ cũng dễ dàng hơn so với bếp gas thông thường. Tuy nhiên, cũng như các loại bếp khác, trong quá trình đun nấu bằng bếp điện từ, không thể tránh khỏi dầu mỡ hoặc thực phẩm bắn ra ngoài. Nếu để quá lâu ngày, chúng có thể bám cặn vào bề mặt bếp gây mất vệ sinh và thẩm mỹ. Xử lý các vết bẩn thường xuyên sẽ giữ cho mặt kính của bếp luôn trông đẹp đẽ và bền bỉ hơn.
Cần vệ sinh mặt kính bếp điện vào những khi nào?
Để đảm bảo hiệu quả tốt nhất, bạn nên lau lại bếp sau mỗi lần sử dụng. Điều đó sẽ giúp cho phần dầu mỡ và thực phẩm mới bị bắn ra khi đun nấu dễ dàng bị loại bỏ hơn. Những chất bẩn này tích tụ lâu dài sẽ bị “nướng” lại nhiều lần sau mỗi khi bạn đun nấu, càng gây khó khăn hơn cho việc làm sạch. Ngay cả khi bếp điện không được sử dụng thường xuyên, bạn vẫn nên vệ sinh mặt kính bếp ít nhất mỗi tuần một lần.
Những vật dụng cần chuẩn bị
Thiết bị:
- Vải sợi nhỏ
- Miếng rửa bát không mài mòn
- Lưỡi dao cạo an toàn
- Dao nhựa cạo keo
- Bình xịt
Nguyên liệu:
- Chất tẩy rửa đa năng có thể tẩy dầu mỡ
- Nước lau kính
- Kem tẩy mặt kính bếp
- Bột baking soda
- Nước rửa bát
- Giấm trắng
Hướng dẫn vệ sinh mặt kính bếp điện
1. Làm mát mặt bếp
Tắt bếp và để mặt bếp thủy tinh nguội hoàn toàn trước khi vệ sinh bề mặt. Lưu ý nếu bạn muốn vệ sinh mặt bếp ngay sau khi sử dụng thì đừng vội rút phích cắm của bếp. Hãy đợi vài phút trước khi rút nguồn để quạt làm mát bên trong bếp hạ nhiệt bếp một cách nhanh chóng.
2. Pha dung dịch làm sạch
Mặc dù bạn có thể sử dụng chất tẩy rửa bề mặt kính được bán ngoài thị trường, hoặc chất tẩy rửa đa năng. Bạn cũng có thể tự pha chế dung dịch làm sạch vẫn có hiệu quả tối đa mà lại đảm bảo an toàn. Cho hỗn hợp một cốc nước nóng, một cốc giấm trắng và nửa thìa nước rửa chén vào bình xịt. Lắc đều. Dung dịch này hoàn toàn có thể được sử dụng để vệ sinh mặt kính bếp sau mỗi lần nấu nướng.
3. Lau sạch bề mặt bếp kính
Xịt hỗn hợp dung dịch tẩy rửa lên mặt bếp. Đợi vài phút để dung dịch phát huy tác dụng phân hủy dầu mỡ. Sau đó dùng miếng rửa bát lau sạch toàn bộ bề mặt bếp theo vòng tròn.
4. Rửa sạch và làm khô mặt bếp
Làm ẩm miếng rửa bát bằng nước sạch và lau hết lớp xà phòng còn trên bề mặt bếp. Việc rửa sạch lại các loại chất tẩy rửa sau khi vệ sinh mặt kính cũng rất quan trọng. Vì những thành phần tẩy rửa còn đọng lại này cũng có thể để lại vết cháy trên mặt bếp trong lần sử dụng tiếp theo.
5. Loại bỏ vụn thức ăn bị cháy đóng cặn
Các phần vụn thức ăn bị cháy két dính lại trên mặt bếp có thể gây ra khó khăn đối với bạn trong quá trình vệ sinh. Hãy bắt đầu với chất tẩy rửa nhẹ hoặc kem tẩy bề mặt kính để loại bỏ cặn bẩn tích tụ đó.
Nếu vết cặn vẫn chưa hết, xịt giấm trắng vào khu vực bẩn đó và rắc bột baking soda lên trên. Hỗn hợp sẽ sủi bọt nhẹ. Làm ẩm khăn mềm bằng nước nóng và đậy khăn lên trên hỗn hợp ít nhất 15 phút. Sau đó lấy khăn ra và chà nhẹ vết cháy bằng miếng rửa bát. Lặp lại các bước trên nếu cần thiết.
Cuối cùng, làm ẩm miếng rửa bát bằng nước sạch và làm sạch phần chất tẩy rửa còn lại. Lau khô bề mặt bếp bằng khăn mềm.
6. Cạo bỏ những vết cháy cứng đầu
Nếu khu vực có thức ăn bị cháy quá cứng đầu, cách cuối cùng là bạn có thể dùng dao cạo an toàn hoặc dao nhựa cạo keo để loại bỏ chúng.
Làm ẩm khăn mềm bằng nước nóng, đặt lên chỗ bị cháy trong 15 phút. Điều này sẽ giúp vết cặn trở nên mềm hơn. Giữ lưỡi dao cạo ở góc 45 độ, từ từ cạo bỏ phần thức ăn bị cháy. Lau sạch các mảnh vụn bằng miếng rửa bát ẩm. Lặp lại nếu cần thiết. Tốt nhất bạn nên cạo thành từng lớp mỏng để tránh làm xước bề mặt bếp nấu.
Khi phần thức ăn bị cháy không còn, làm sạch lại mặt bếp một lần nữa bằng hỗn hợp giấm trắng, nước nóng và nước rửa chén. Dùng miếng rửa bát ẩm để vệ sinh phần chất tẩy rửa còn lại. Sau đó, lau lại mặt kính bếp bằng khăn khô.
Lưu ý: tuyệt đối không được dùng loại dao cạo kim loại sắc nhọn để vệ sinh mặt kính bếp. Nó có thể gây ra các vết xước không mong muốn cho mặt bếp.